Robert-le-Diable Bresson: chất vấn quỷ

“Việc đặt câu hỏi còn quan trọng hơn việc tìm kiếm lời giải đáp.”
Alphaville, Jean-Luc Godard

Sẽ thật khó để viết (thêm) một thứ gì sâu về Robert Bresson, vì có lẽ chẳng có ai trong lịch sử điện ảnh suốt đời chỉ lặng lẽ làm (không nhiều) phim nhưng lại nhận được vô vàn sự chú ý của giới phê bình, nghiên cứu như Bresson (tôi có thể kể thêm một cái tên: Jacques Tati; nhưng người ta có nói nhiều về Tati đến vậy? so với Andrei Tarkovsky hay Ingmar Bergman thì chắc là không); ngay kể cả trong trường hợp Le diable probablement (Quỷ dữ, hẳn vậy) – tác phẩm khó có thể nói là nổi tiếng nhất của Bresson, nhưng nó rơi đúng vào phạm vi những bộ phim của những ông già: những tác phẩm điện ảnh trút bỏ tất cả nét hào nhoáng và chỉ còn trần trụi một bản thể cằn cỗi mà sáng suốt và trải sự đời, một sự trần trụi đến hoàn mỹ, không hề có ý đậy che hay hổ thẹn, mà chỉ có những John Ford (7 Women), Ozu Yasujiro (An Autumn Afternoon), Naruse Mikio (Scattered Clouds), Mizoguchi Kenji (Street of Shame) hay Charlie Chaplin (A Countess from Hong Kong) mới có thể đạt đến được.

Le diable probablement, đạo diễn Robert Bresson
Tiếp tục đọc “Robert-le-Diable Bresson: chất vấn quỷ”

La Krutenau

“Wasn’t I lucky to be born in my favorite city?”
– Tootie, Meet Me in St. Louis


Khu phố Bourse – Esplanade – Krutenau của Strasbourg trong cảm tưởng của tôi là cả một châu Âu thu nhỏ. Rất nhiều những con phố hay quảng trường ở đây được đặt theo tên những thành phố nổi tiếng của Lục địa già: rue de Stuttgart, rue d’Istanbul, rue d’Ankara, place d’Athènes, rue d’Oslo, rue de Stockholm, rue de Genève, rue de Berne, rue de Lausanne, rue de Lucerne, rue/place de Zurich, rue de Milan, rue de Rome, v.v… Gắn với đó đôi khi là những bến dừng xe buýt mang độc cái tên của các thành phố ấy: Ankara, Zurich, Rome, hay đặc biệt là Palerme – nơi tôi vẫn thường khởi hành những cuộc lang thang không đích đến của mình – khiến người ta dễ có cảm giác như chỉ cần bước xuống xe buýt hoặc tram là đã đặt chân đến Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp hay Thụy Sĩ. Tất nhiên không chỉ có tên các thành phố: quai des Alpes, route du Rhin hay quartier Danube là những ví dụ điển hình của việc núi và sông ở Tây (và Đông) Âu cũng có thể trở thành những địa danh ở nơi đây. Strasbourg không phải thành phố duy nhất làm điều này, nhưng trong một khu vực địa lý không quá lớn, những cái tên ấy vẫn xuất hiện một cách dày đặc, thậm chí nối liền nhau dọc các trục đường; rõ ràng đó không phải một sự ngẫu nhiên. Phải chăng, ngoài một vài đặc quyền chính trị, vì lẽ đó nữa mà Strasbourg thường kiêu kỳ mang cho mình danh xưng capitale européenne?

Tiếp tục đọc “La Krutenau”