Rét

Co ro trong mấy lần áo dày bước ra đường, tôi nhìn lên và tự hỏi: “Bầu trời xám xịt kia sao mà vô tình đến thế?”. Chỉ đặc một màu tăm tối phủ kín những áng mây, thu hồi tất cả sắc tươi tắn nơi vầng dương ló dạng vừa xua tan màn sương đêm. Vài làn gió cắt qua khiến tôi rùng mình, hệt như con dao vô hình đâm xuyên từng thớ thịt, mang cái rét vào tận tủy xương.

Bao lâu nay đây vốn luôn là tiết trời yêu thích của tôi. Một buổi sớm rét mướt trên con đường ngỡ thân quen mà xa xôi, quạnh vắng đến lạ thường. Một buổi chiều giá lạnh bên tách cà phê ấm nóng cùng thứ âm nhạc phá cách của Bob Dylan, những thước phim mê hồn của Theo Angelopoulos hay vài câu chữ giản đơn mà khuấy động cả một góc sâu thẳm trong cõi lòng của Patrick Modiano… Một ngày mùa đông của năm trước, năm trước nữa và năm trước nữa nữa… Một ngày mùa đông chỉ đơn giản là sự đối nghịch vừa đủ với cái nắng hè ngột ngạt, oi bức, đem đến cho miền Bắc một khí hậu không lẫn vào đâu được.

Còn lạnh thế này…

s1740022
Ảnh: Google

Hai hàm răng đánh cộp vào nhau, chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ đến hình ảnh những người dân Trung Quốc trong đợt rét kỷ lục của quê hương họ, đến cụ ông bị đóng băng cả… lông mày, nhớ đến lớp tuyết dày mấy chục xăng-ti-mét trong trận bão tuyết lịch sử ở Hoa Kỳ, và lại càng thấm thía cái lạnh hơn. Thế rồi chẳng biết từ lúc nào, trong khoảnh khắc nào, tôi không còn yêu thứ cảm giác tê cóng rồ dại kia nữa…

cold25-1453523517_660x0
Thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tôi ghét, tôi sợ, tôi kinh tởm cái lạnh kia, chẳng phải vì nó khiến cho tôi phải khép nép, rúc ráy trong những thớ vải lộm cộm này và đem lại một diện mạo thật kém cỏi, thê lương đâu, mà bởi nó chỉ mang đến bất hạnh, thống khổ cho thế giới mà thôi. Thử nghĩ xem, những người có cuộc sống đầy đủ về vật chất như chúng ta, ra đường vào sáng mùa đông cũng phải thốt lên: “Rét!”, chưa kể có người còn chẳng tìm được đủ dũng khí để bước ra khỏi chốn thiên đường ấm áp mà họ đã dựng lên sau một đêm dài say giấc. Vậy thì những số phận phải tất tả mưu sinh trong xã hội nhỏ bé mà tàn nhẫn này, những kiếp người không có miếng cơm ăn, không có manh áo bận sẽ ra sao khi cơn gió lạnh hun hút thổi qua con đường đời gian truân của họ?

Những hình ảnh trong một chương trình thời sự từ rất lâu rồi bỗng nhiên hiện ra trước mắt tôi. Hàng đàn gia xúc chết rét trong những ngôi chuồng xập xệ, tan hoang vì mưa gió, băng tuyết. Ống kính máy quay tập trung vào một con bò khiến tôi không khỏi sửng sốt. Loài vật khỏe mạnh, gân guốc ấy chỉ còn là một bộ xương được đắp thêm chút da nâu, trông xa chẳng khác gì một đứa bé khoác trên mình bộ áo rét thùng thình, lặng lẽ gặm những bó cỏ xác xơ, không thèm đoái hoài gì đến xung quanh. Tiếng khóc của một người nông dân, những giọt nước mắt lăn trên má bà tiếc thương cho cơ nghiệp đã ra đi chỉ sau một đêm giá lạnh càng làm lòng tôi thêm quặn thắt, xót xa. Và đó chỉ là những hình ảnh từ rất lâu rồi, chưa phải trong đợt rét mới chớm hình thành và lan tỏa đây.

Thứ cảm giác buốt giá đến ghê rợn này có lẽ chỉ gây kích thích cho mấy lão nghệ sĩ rởm muốn tìm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm sáo rỗng hay vài ba kẻ hiếu kỳ khao khát được chiêm ngưỡng những tạo vật bắt mắt của thiên nhiên mà thôi. Còn với nhiều người khác, nó chỉ là một nỗi phiền toái, trở ngại, một sự thách thức trớ trêu con người của thiên nhiên vốn chẳng mấy hiền hòa kia.

2016-01-23T004750Z-1220301539-GF20000103980-RTRMADP-3-USA-WEATHER-1453518498_660x0
Bão tuyết lịch sử ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Chiếc xe đạp dừng bánh, dòng suy nghĩ cũng dừng lại, tôi bước chân vào cổng trường, vào lớp học – một không gian ấm cúng hơn, gần như đặt những chuyện kia vào hẳn một ngăn kéo kín bưng trong ký ức, cho đến khi…


 

  • Con cá đỏ này trông có vẻ yếu ớt quá bố nhỉ?
  • Chắc nó không qua khỏi đợt rét lần này đâu.

Bố tôi mắc hẳn một chiếc bóng đèn dây tóc vào bể để cho lũ cá chút hơi ấm, nhưng dường như chẳng đủ giúp chú cá tội nghiệp kia chống chọi lại được cái tiết trời mà nó sinh ra vốn không phải để chịu đựng. Chú cá đẹp nhất trong bể sắp phải ra đi, cũng chỉ vì cái thời tiết oái oăm này.

  • Nhà người ta cá cũng chết nhiều lắm, lạnh quá mà! – Bố tôi thêm.

Tôi không hiểu, cùng là động vật như nhau, thậm chí cùng là loài người như nhau, thế mà có những “phận sao phận bạc như vôi”? Chú cá kia, cũng như những người ăn xin, những gánh hàng rong trên phố, hay những con trâu, con bò phải chịu trận trước thiên nhiên khắc nghiệt, phải chăng số phận của họ đã được định đoạt như vậy? Họ đang gánh vác trên vai nỗi bất hạnh của thế gian này ư? Chúng ta được sống an nhàn, hạnh phúc là bởi có những “người gánh vác” ấy ư? Có lẽ tôi chưa đủ tư cách để trả lời những câu hỏi quá triết lý và vĩ mô đó, nhưng tôi biết một điều rằng đợt rét này, những ngày buốt giá chưa từng có trong suốt mấy chục năm này thật sự là những tháng ngày khó khăn nhất mà thế giới phải trải qua, phải đối mặt. Nó cũng sắp sửa cướp đi một người bạn, một thành viên trong gia đình tôi, và – ai biết được – bao người bạn, bao thành viên trong nhiều gia đình khác nữa.

demhanoi5b621e_1
Ảnh: Google

Rời mắt khỏi bế cá và chú cá tội nghiệp, trong trí óc tôi bỗng thoáng qua những lời văn xúc động đẫm nước mắt của Andersen mà tôi được học mùa đông cách đây 4 năm: “Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biến mất. Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà em lại! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về với Thượng đế.”

Ngoài trời, những hạt mưa cũng đã bắt đầu rơi, như để điểm xuyết thêm cho cái rét hãi hùng vẫn còn dai dẳng…

1 bình luận về “Rét”

Bình luận về bài viết này