Tháng Tư

Trong dòng những biến đổi, tôi muốn nắm bắt hết, những vươn mình thức giấc, những phai nhạt, lãng quên.

Trong dòng những chuyển động, tôi muốn ghi chép hết, những gặp gỡ, chia tay, những hội ngộ, ly biệt.

Trong dòng những bất động, tôi muốn vẽ lại hết, bầu trời đêm không một vì sao xa, phố tĩnh mịch không một ánh điện đường.

Trong dòng những lạc lối, tôi muốn đánh dấu hết, những ngã tư trước mặt hằng lưỡng lự, những giao lộ sau lưng hằng lao đao.

Trong tháng Tư của những ngày tuổi trẻ, tôi gửi lại một phần của tôi, nơi vui tươi tôi dành cho những người, trân trọng tôi dành cho những vật, tiếc nuối tôi dành cho những kỷ niệm đã chẳng còn thân thương.

Tháng Tư ấy, tôi những muốn kể lại, nhưng không phải bằng lời, cũng không phải bằng chữ, lại càng không phải bằng những láo nháo lác nhác phác thảo hay lủng củng lỉnh kỉnh ký họa.

À, thế rồi tôi nhận ra, tất cả những gì tôi cần làm chỉ là nhắm mắt lại… Tiếp tục đọc “Tháng Tư”

Giáng sinh sớm

“Nhìn kìa, bố ơi. Cô giáo bảo, mỗi khi chuông ngân là có một thiên thần vừa được ban đôi cánh.”
(Look, Daddy. Teacher says every time a bell rings, an angel gets his wings.)

Những năm gần đây, khi xem “It’s a Wonderful Life”, tôi luôn khóc lúc nghe câu nói hồn nhiên ấy của Zuzu Bailey. Thật ra, tôi đã rơm rớm nước mắt từ lúc Chú Billy cầm giỏ tiền bước vào cùng toàn bộ người dân Bedford Falls “không hề hỏi một câu, chỉ bảo: George gặp rắc rối à? Thế thì có tôi nữa”, lúc Harry Bailey trở về nhà sau khi được trao huân chương từ Tổng thống và nâng cốc nói: “cho ông anh của em, người giàu nhất thị trấn”, để rồi vỡ òa khi Zuzu nói câu đó và rồi tất cả mọi người cùng đồng thanh hát vang “Auld Lang Syne”. Thậm chí năm trước, mắt tôi đã nhòe lệ ngay từ đầu phim khi những lời cầu nguyện được cất lên: “Con nợ George Bailey tất cả mọi thứ. Hãy giúp cậu ấy, thưa Cha”, “Hỡi Thánh Joseph, Chúa Jesus và Đức Mẹ Mary, hãy giúp bạn con anh Bailey”, “Xin hãy giúp con trai con đêm nay”, “Cậu ấy chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mình. Thế nên cậu ấy mới gặp rắc rối”, “George là người tốt. Tha cho cậu ấy đi, Chúa”, “Con yêu anh ấy, thưa Chúa. Xin hãy trông nom anh ấy đêm nay”, “Xin Người đấy, Chúa. Bố con gặp chuyện gì rồi”, “Xin hãy mang bố con về”. Và rất nhiều lần trong suốt hơn hai tiếng thời lượng bộ phim, tôi phải dừng lại để dụi khô hai mắt. Nhiều người có thể nói rằng tôi dễ dãi trong cảm xúc, rằng tôi dễ xúc động trước những điều nhỏ nhặt (chắc không đến mức như anh bạn Bloch của Proust trong “Bên phía nhà Swann” đâu). Có thể đúng, nhưng cũng xin nhớ cho tôi từng chẳng hề mảy may xúc động khi xem những bộ phim vẫn luôn được coi là lấy đi nhiều nước mắt của khán giả như “La vita è bella”, “Saving Private Ryan” hay “Schindler’s List”…

Không biết từ bao giờ, xem “It’s a Wonderful Life” đã trở thành thông lệ với tôi mỗi dịp Giáng sinh về, khi ngọn gió đã trở nên buốt lạnh và bầu trời khoác tấm áo đục ngầu tựa như muốn cô lập hết hơi ấm từ Mặt Trời lúc này đã ở xa Bắc bán cầu trong hành trình của Trái Đất, dưới mái nhà ấm áp nơi những người thương yêu luôn đón đợi tôi trở về. Tôi từng lo lắng liệu rằng xem nhiều như vậy có làm cho tình yêu của tôi với bộ phim giảm bớt đi không; liệu rằng có một ngày nào đó khi tôi đã thuộc lòng hết từng tình tiết, từng lời thoại của bộ phim, tôi sẽ không còn hứng thú với nó nữa. Có lẽ cảm xúc kia đã là câu trả lời thích đáng nhất cho băn khoăn của tôi. Có thể thấy, để đánh giá một tác phẩm điện ảnh, tiêu chí hàng đầu nên được xét đến là giá trị xem lại của nó.
Mỗi một lần xem “It’s a Wonderful Life” là một lần tôi khám phá ra được một điều mới lạ, bổ sung vào những gì tôi đã biết về bộ phim. Trên bước đường trưởng thành của tôi, nó như một người bạn dạy cho tôi những bài học lớn lao về sự cảm thông, hy sinh, niềm tin và hơn hết cả, tình yêu. Và tôi biết, mình sẽ luôn dành trọn tình cảm cho bộ phim, sẽ luôn khóc, luôn cười như một đứa trẻ trước từng hành động, lời nói, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ của các nhân vật trong phim; cũng như sẽ luôn trân trọng những điều kỳ diệu mà Giáng sinh mang lại cho tôi, ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

01
It’s a Wonderful Life (1946), Frank Capra. Ảnh: Paramount Pictures

Tiếp tục đọc “Giáng sinh sớm”

Đôi lời về “Mr. Smith Goes to Washington”: ‘Nước Mỹ’ của Frank Capra

Khi Smith bước xuống chuyến tàu vừa đưa anh từ quê nhà tới Washington, D.C, ngước nhìn ra bên ngoài, “bất thình lình, nó ở đó, nó sừng sững trước mắt anh qua cửa ga”. Đó là Mái vòm Điện Capitol với vị Nữ thần tượng trưng cho Tự do ở trên nóc mà trước đây anh chỉ được biết đến qua tranh ảnh, sách vở. “Lớn như thật, rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời bên ngoài”. “Và rồi anh cứ thế cất bước tới đó”, bước lên chiếc xe buýt đang đậu ngay ngoài cửa. Có lẽ anh “chưa từng xúc động đến thế trong đời”, trên mặt hiện rõ sự hớn hở, sung sướng như một đứa trẻ vừa vớ được kẹo. Chiếc xe đưa anh qua mọi ngả đường Washington, D.C, qua tòa nhà Trụ sở Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với dòng chữ nổi tiếng “Công lý bình đẳng theo luật pháp” (“Equal justice under law”), qua Tòa Bạch Ốc từng là nơi ở và làm việc của biết bao con người vĩ đại mà từng lời nói của họ anh đều đã nằm lòng, qua Tòa Quốc Hội nơi anh quyết định ghé vào tham quan. Chiếc Chuông Tự do ngân vang trên nền bản Tuyên ngôn Độc lập được máy quay cận cảnh ghi lại ba cụm từ bao đời nay đã ngự trị trong tiềm thức của người dân Mỹ: “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Anh tiếp tục chuyến tham quan của mình, thăm Tượng đài Washington sừng sững soi bóng xuống Hồ phản chiếu, thăm Đài tưởng niệm Iwo Jima, Đại lộ Hiến Pháp, Nghĩa trang quốc gia Arlington, … Tất cả lướt qua màn hình trên nền lá quốc kỳ Mỹ phấp phơi tung bay. Những cú cắt cảnh, chuyển cảnh mượt mà kết hợp với góc máy rộng đem lại vẻ choáng ngợp trước một Washington hoa lệ. Cuối cùng, Smith dừng chân tại Đài tưởng niệm Lincoln. Và Abraham Lincoln, “ông ấy ở đó, nhìn thẳng vào anh khi anh bước lên những bậc thang dẫn vào bên trong”. Ông “ngồi đó như thể đang đợi ai đó tới”. Phía xa xa là tấm văn bia khắc bài Diễn văn Gettysburg, nơi một cậu bé đang bập bẹ đánh vần từng câu của bài diễn văn cho một cụ già nghe.

Tại đây, Lincoln cuối cùng cũng được gặp con người mình vẫn đợi chờ sau bao năm trời, một người “cố gắng nhân rộng tư tưởng của ông”, một người “thấu hiểu công việc của ông và lao vào nó”: Ngài Smith vừa tới Washington.

Cũng chính tại đây, Frank Capra đã gạt đi được tất cả những do dự, hạ được toàn bộ quyết tâm để thực hiện nên một trong những bộ phim xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh về đạo đức, lý tưởng, về giá trị của mỗi cá nhân, nền dân chủ và tự do.

Poster
Áp phích phim. Ảnh: IMDb

Tiếp tục đọc “Đôi lời về “Mr. Smith Goes to Washington”: ‘Nước Mỹ’ của Frank Capra”

The Shop Around the Corner – Hơn cả một bộ phim Giáng sinh kinh điển

Mở đầu bài viết tưởng nhớ nữ minh tinh hồng nhan bạc mệnh Margaret Sullavan nhân 100 năm ngày sinh của bà trên The New Republic, nhà phê bình điện ảnh David Thompson đã viết:

Thỉnh thoảng, bạn gặp phải những người chưa từng xem “The Shop Around the Corner”. Những người như vậy cũng không có gì khác thường. Họ nói tiếng Anh, họ ăn vận, họ chải chuốt. Họ có thể đang dắt chó đi dạo hoặc đang tìm một ly vang nho đen trong một bữa tiệc, và họ nói: “Anh bảo phim nào cơ?” Họ thản nhiên trước việc không biết đến bộ phim, nhất là khi bạn cho họ biết nó đã ra đời được 71 năm và là phim đen trắng. Cũng có những người cho rằng những thứ như vậy vượt quá tầm hiểu biết hay mức lương công việc của họ, như nạn đói ở Đông Phi hay sự thoát khí mê-tan từ băng vĩnh cửu ở Siberia. Không sao cả, ổn thôi, vì chưa từng xem “The Shop Around the Corner” còn dễ cứu chữa hơn những vấn đề nêu trên.

Và ông kết thúc bài viết bằng câu:

Có những người lại hỏi: “Có phải Nora Ephron từng làm lại phim đấy, với… Meg Ryan không?” Tôi bảo họ: “Không.”

Bộ phim với sự tham gia của Meg Ryan mà Thompson nhắc đến là “You’ve Got Mail”, một phiên bản điện ảnh khác cũng dựa trên vở kịch “Parfumerie” của nhà soạn kịch người Hungary Miklós László. Bản thân bộ phim không phải là một tác phẩm tồi, nhưng khi đặt trong sự so sánh, đối chiếu với kiệt tác của Ernst Lubitsch, tất cả những đánh giá tiêu cực đã đến với nó như một hệ quả tất yếu. Cũng như việc không biết đến “The Shop Around the Corner”, kể cả đối với những người yêu điện ảnh, không phải là điều quá nghiêm trọng, nhưng bởi bộ phim nằm trong danh sách 10 phim yêu thích nhất của Thompson, nó trở thành một vấn đề cần được “cứu chữa”, đặc biệt đối với người Mỹ và những nước nói tiếng Anh.

Tuy nhiên, những quan điểm và đánh giá của Thompson không phải là quá chủ quan hay hồ đồ. Nhiều nhà phê bình, phân tích điện ảnh khác cũng từng đặt “The Shop Around the Corner” ở một vị thế rất cao trong lịch sử phát triển của môn nghệ thuật thứ bảy, như một chuẩn mực về nghệ thuật làm phim và diễn xuất với những góc quay, những biểu cảm gương mặt và những đoạn đối thoại đã trở thành kinh điển.

the_shop_around_the_corner_-_1940-_poster
Áp phích phim. Ảnh: MGM

Tiếp tục đọc “The Shop Around the Corner – Hơn cả một bộ phim Giáng sinh kinh điển”

Giáng sinh muộn

Năm nay trường thi học kỳ rõ muộn, thế là Giáng sinh của mình tưởng như đi toong. Cũng phải nói thêm đây là một ngày lễ rất đặc biệt với mình, dù cho ở Việt Nam nó không mang nặng tính truyền thống như các nước phương Tây. Trong ngày này mình thường không thích ra ngoài đi chơi cho lắm, mà thường ngồi nhà nghe nhạc, đọc sách, xem phim. Những bài ca Giáng sinh, những trang sách ố vàng hay những bộ phim tươi vui, truyền cảm hứng cho một năm mới nhiều hy vọng… là những giá trị tinh thần sưởi ấm trái tim mình hơn cả bao bước chân hòa vào dòng người xô bồ, náo nhiệt nơi các cửa hàng, khu vui chơi rực sáng ánh đèn trong đêm lễ thánh. Năm nay, những thứ đó một lần nữa lại trở thành vị cứu tinh cho con tim chai sạn của mình. Tiếp tục đọc “Giáng sinh muộn”