Robert-le-Diable Bresson: chất vấn quỷ

“Việc đặt câu hỏi còn quan trọng hơn việc tìm kiếm lời giải đáp.”
Alphaville, Jean-Luc Godard

Sẽ thật khó để viết (thêm) một thứ gì sâu về Robert Bresson, vì có lẽ chẳng có ai trong lịch sử điện ảnh suốt đời chỉ lặng lẽ làm (không nhiều) phim nhưng lại nhận được vô vàn sự chú ý của giới phê bình, nghiên cứu như Bresson (tôi có thể kể thêm một cái tên: Jacques Tati; nhưng người ta có nói nhiều về Tati đến vậy? so với Andrei Tarkovsky hay Ingmar Bergman thì chắc là không); ngay kể cả trong trường hợp Le diable probablement (Quỷ dữ, hẳn vậy) – tác phẩm khó có thể nói là nổi tiếng nhất của Bresson, nhưng nó rơi đúng vào phạm vi những bộ phim của những ông già: những tác phẩm điện ảnh trút bỏ tất cả nét hào nhoáng và chỉ còn trần trụi một bản thể cằn cỗi mà sáng suốt và trải sự đời, một sự trần trụi đến hoàn mỹ, không hề có ý đậy che hay hổ thẹn, mà chỉ có những John Ford (7 Women), Ozu Yasujiro (An Autumn Afternoon), Naruse Mikio (Scattered Clouds), Mizoguchi Kenji (Street of Shame) hay Charlie Chaplin (A Countess from Hong Kong) mới có thể đạt đến được.

Le diable probablement, đạo diễn Robert Bresson
Tiếp tục đọc “Robert-le-Diable Bresson: chất vấn quỷ”

Năm ngoái ở Transylvania

Đã một năm rồi từ ngày tâm trí tôi rơi vào một mớ bùng nhùng của những nuối tiếc, nghi kị, dằn vặt, khổ đau vì mất đi người con gái quý giá nhất của cuộc đời mình, hệt anh nhân vật chính trong Je t’aime, je t’aime của Alain Resnais. Như thể có một cỗ máy thời gian còn đang trong giai đoạn thử nghiệm đưa tôi ngược dòng ký ức, tôi trôi nổi giữa quá khứ và hiện tại, giữa những mất và còn, giữa hư vô và đời thực, để rồi không thể thoát ra được nữa. Những ký ức ấy có thực hay không, chính tôi cũng chẳng biết: trí óc là vậy, nó tự lấp đầy những khoảng trống trong trí nhớ con người, nhào nặn lên những hình hài mà nó, hay con người đó muốn, hoặc không muốn tạo nên.

“Où êtes-vous… mon amour perdu…”
(“Em đâu rồi… tình yêu đã mất/lạc lối của tôi…”)
L’année dernière à Marienbad

L’année dernière à Marienbad, đạo diễn Alain Resnais
Tiếp tục đọc “Năm ngoái ở Transylvania”

Ghi chép về ‘My Darling Clementine’

For my darling Clementine

Nếu có một bộ phim phản chiến vĩ đại mà không trực tiếp nói đến chiến tranh, không có những hình ảnh bom đạn khốc liệt, những cái chết thương tâm, đó hẳn phải là My Darling Clementine, một vực thẳm nối giữa They Were ExpendableThe Fugitive sau những trải nghiệm trong Hải Quân Hoa Kỳ của chính đạo diễn John Ford. Chỉ một con người vừa mới bước ra khỏi một cuộc chiến phi nghĩa, với một sự nhạy cảm tột cùng (ta còn nhớ trước khi lên đường sang bên kia Đại Tây Dương, Ford đã cho thấy sự vô định nhường nào trong How Green Was My Valley), mới có thể kể lại những khốc liệt và phi lý của chiến tranh chân thực, day dứt mà vẫn ngập tràn hy vọng đến vậy, trong bộ ba phim đứng hàng kiệt tác, đánh dấu thời kỳ chuyển giao giữa một Fordian Ford và một Brechtian Ford (“Brechtian hơn cả Brecht”) như Jean-Marie Straub ngợi ca.

Henry Fonda trong My Darling Clementine. Ảnh: 20th Century Fox
Tiếp tục đọc “Ghi chép về ‘My Darling Clementine’”

La Krutenau

“Wasn’t I lucky to be born in my favorite city?”
– Tootie, Meet Me in St. Louis


Khu phố Bourse – Esplanade – Krutenau của Strasbourg trong cảm tưởng của tôi là cả một châu Âu thu nhỏ. Rất nhiều những con phố hay quảng trường ở đây được đặt theo tên những thành phố nổi tiếng của Lục địa già: rue de Stuttgart, rue d’Istanbul, rue d’Ankara, place d’Athènes, rue d’Oslo, rue de Stockholm, rue de Genève, rue de Berne, rue de Lausanne, rue de Lucerne, rue/place de Zurich, rue de Milan, rue de Rome, v.v… Gắn với đó đôi khi là những bến dừng xe buýt mang độc cái tên của các thành phố ấy: Ankara, Zurich, Rome, hay đặc biệt là Palerme – nơi tôi vẫn thường khởi hành những cuộc lang thang không đích đến của mình – khiến người ta dễ có cảm giác như chỉ cần bước xuống xe buýt hoặc tram là đã đặt chân đến Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp hay Thụy Sĩ. Tất nhiên không chỉ có tên các thành phố: quai des Alpes, route du Rhin hay quartier Danube là những ví dụ điển hình của việc núi và sông ở Tây (và Đông) Âu cũng có thể trở thành những địa danh ở nơi đây. Strasbourg không phải thành phố duy nhất làm điều này, nhưng trong một khu vực địa lý không quá lớn, những cái tên ấy vẫn xuất hiện một cách dày đặc, thậm chí nối liền nhau dọc các trục đường; rõ ràng đó không phải một sự ngẫu nhiên. Phải chăng, ngoài một vài đặc quyền chính trị, vì lẽ đó nữa mà Strasbourg thường kiêu kỳ mang cho mình danh xưng capitale européenne?

Tiếp tục đọc “La Krutenau”

Yêu từ cái nhìn thứ hai

“Bây giờ tôi không còn tin vào cái cụm từ ‘yêu từ cái nhìn đầu tiên’ nữa rồi.”

Câu nói này của bạn tôi hôm nay bỗng làm tôi giật mình. Ngay lập tức tôi lần lượt rà soát lại những tình yêu lớn của đời mình để xác nhận mức độ chính xác của ý kiến đó. Và quả thực, bạn tôi không hẳn là sai.

Trong những cái nhìn đầu tiên hớp hồn ấy, tôi chưa bao giờ biết đó là tình yêu. Ozu “tấn công” tôi bằng Tokyo Story, Ford “quyến rũ” tôi bằng The Searchers. Hai bộ phim bao lâu nay vẫn khiến giới mộ điệu nức nở lẽ dĩ nhiên không khỏi làm tôi xiêu lòng, thế nhưng đến nay tôi chưa một lần nào nghiêm túc xem lại chúng. Tôi thật sự say đắm trước Ozu bắt đầu từ Late Spring, còn Ford chính thức làm tôi mê mệt kể từ The Man Who Shot Liberty Valance, đều ở lần tiếp xúc sau đó. Thế rồi, những An Autumn Afternoon, Early Summer, There Was a Father, The Only Son, Late Autumn, Good Morning, Early Spring, Brothers and Sisters of the Toda Family, v.v…, những The Quiet Man, How Green Was My Valley, Fort Apache, My Darling Clementine, Young Mr. Lincoln, Two Rode Together, Steamboat Round the Bend, Donovan’s Reef, Doctor Bull, v.v… ồ ạt tới khiến cho ánh mắt đầu tiên kia trở nên thật mờ nhạt. Điều tương tự cũng xảy đến với tôi ở trường hợp của Jacques Demy trong Les Parapluies de Cherbourg hay Lưu Quang Vũ trong Tiếng Việt. Dickens, và một người nữa, có lẽ là những lần hiếm hoi chiếc đũa phép nhiệm màu có thể phe phẩy những hạt bụi tiên lên tôi; nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Đúng thật, tôi chẳng mấy khi yêu từ cái nhìn đầu tiên.

The Man Who Shot Liberty Valance (1962), John Ford. Ảnh: Warner Bros.
Tiếp tục đọc “Yêu từ cái nhìn thứ hai”

How Green Was My Valley — Xanh biết bao một thuở đã qua

Năm 1967, khi đã có trong tay rất nhiều tác phẩm viết nên định nghĩa sau này của môn nghệ thuật thứ bảy, Orson Welles, trong một lần được nhà phê bình người Anh Kenneth Tynan hỏi về các đạo diễn người Mỹ đương thời, đã nói:

“Stanley Kubrick và Richard Lester là những người duy nhất khiến tôi hứng thú—trừ các bậc lão làng. Ý tôi đó là John Ford, John Ford và John Ford. […] Ford ở đỉnh cao của mình cho ta cảm giác rằng bộ phim có sức sống và hơi thở trong thế giới thực, dù kịch bản có thể được viết bởi Mother Machree.”1

Welles đã chỉ tên rất chính xác một trong những đạo diễn lớn nhất của thập niên ’60 giờ đã gần như bị lãng quên trên bản đồ điện ảnh thế giới: Richard Lester. Trái ngược lại, John Ford, nhà làm phim được tất thảy những người đồng nghiệp cũng như giới hâm mộ điện ảnh kính trọng, một lần nữa khẳng định chắc nịch vị trí cao ngút của mình nhờ những lời tán dương từ Welles. Một cái tôi quá lớn như Welles, người sẵn sàng gọi Michelangelo Antonioni là “cha đẻ và người đi tiên phong” trong công cuộc khám phá “buồn tẻ” như một đề tài nghệ thuật, Federico Fellini là một đạo diễn “tỉnh lẻ”, hay cho rằng Thụy Điển của Ingmar Bergman, giống như Henry James nói về Na Uy của Ibsen, ngập “một mùi nến tôn giáo”2; Welles, người bị kinh đô điện ảnh quay lưng trong suốt sự nghiệp của mình như hoàng tử Hal đã làm với Falstaff trong tác phẩm cùng tên năm ấy của ông, dành một niềm ngưỡng mộ đặc biệt đối với nhân vật đứng đầu danh sách những con người nắm giữ kỷ lục về giải thưởng cũng như sự tung hô của Hollywood. Điều đó cho thấy rằng đây là sự nhìn nhận hết sức giá trị. Trên thực tế, Welles cũng là một trong những người đầu tiên thật sự trân trọng giá trị nghệ thuật thuần khiết nhất trong những tác phẩm của Ford, và khẳng định tầm cỡ của ông trong việc truyền cảm hứng cho sự phát triển của điện ảnh.

Tiếp tục đọc “How Green Was My Valley — Xanh biết bao một thuở đã qua”

Một góc thế giới của Jacques Demy

Có ba người Pháp tôi thật sự ngưỡng mộ và dành cho hai chữ “thiên tài”, những ông hoàng của lòng tôi: Jean Renoir, Jacques Tati, và Jacques Demy (hai người cùng tên Jacques; rất có thể sẽ còn một Jacques nữa, một Jacques mà ở thời điểm hiện tại, và có lẽ còn rất lâu lâu nữa, tôi vẫn muốn giữ khoảng cách: Jacques Rivette).

Ở một hành tinh khác nơi mà người ta coi thiên tài là người làm ra những thứ người bình thường phải vắt óc ra mới hiểu hết thì Robert Bresson sẽ là người đầu tiên tôi nghĩ đến. (Tại sao không có Godard? Vì tôi miễn nhiễm với mọi sự đoán định về Godard. Tôi thích Godard, nhưng sự thích ấy xuất phát từ khát khao không hiểu Godard.) Và Jacques Demy hẳn nhiên vẫn sẽ có tên trong đó, bởi những gì Demy làm, tôi cứ tưởng mình hiểu, nhưng thật ra tôi chẳng hiểu được bao nhiêu. Nhưng thôi, tôi thích ở nguyên trên hành tinh của mình hơn.

Tiếp tục đọc “Một góc thế giới của Jacques Demy”

Tháng Tư

Trong dòng những biến đổi, tôi muốn nắm bắt hết, những vươn mình thức giấc, những phai nhạt, lãng quên.

Trong dòng những chuyển động, tôi muốn ghi chép hết, những gặp gỡ, chia tay, những hội ngộ, ly biệt.

Trong dòng những bất động, tôi muốn vẽ lại hết, bầu trời đêm không một vì sao xa, phố tĩnh mịch không một ánh điện đường.

Trong dòng những lạc lối, tôi muốn đánh dấu hết, những ngã tư trước mặt hằng lưỡng lự, những giao lộ sau lưng hằng lao đao.

Trong tháng Tư của những ngày tuổi trẻ, tôi gửi lại một phần của tôi, nơi vui tươi tôi dành cho những người, trân trọng tôi dành cho những vật, tiếc nuối tôi dành cho những kỷ niệm đã chẳng còn thân thương.

Tháng Tư ấy, tôi những muốn kể lại, nhưng không phải bằng lời, cũng không phải bằng chữ, lại càng không phải bằng những láo nháo lác nhác phác thảo hay lủng củng lỉnh kỉnh ký họa.

À, thế rồi tôi nhận ra, tất cả những gì tôi cần làm chỉ là nhắm mắt lại… Tiếp tục đọc “Tháng Tư”

Nước dâng miệng ngựa

Sứ mệnh lớn nhất của khoa học là gì? Hiển nhiên đó là khai sáng. Còn sứ mệnh lớn nhất của nghệ thuật là gì? Tôi cho rằng đó là tiên tri. Nhà tiên tri vĩ đại nhất của tôi, không ai khác, chính là George Harrison. Tiếp tục đọc “Nước dâng miệng ngựa”

Như một thằng ngốc

Không thể nghi ngờ gì được, điện ảnh là hình thức nghệ thuật quyền lực nhất. Nó có thể, cùng một lúc, bao gồm cả văn chương, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, nhiếp ảnh, lại vừa có thể tách riêng ra và có sức sống mạnh mẽ mà không cần đến bất kỳ thứ nào bổ trợ. Tất nhiên, quyền lực chỉ có ý nghĩa khi nằm trong tay những con người kiệt xuất. Chính vì thế mà những hình thức nghệ thuật khác không bao giờ mất đi chỗ đứng và điện ảnh cũng chưa bao giờ chiếm thế thượng phong. Mà dù sao nói đi cũng phải nói lại, điện ảnh đôi khi tồn tại được cũng là nhờ những thứ kia (và đổi lại, đôi khi, dù ít hơn, những thứ kia tồn tại được lại là nhờ điện ảnh).

Nhưng thôi, ta hãy để vấn đề ấy cho các nhà nghiên cứu, lý luận, các vị nghệ sĩ, hay cả những vị chẳng phải là ai trong số đó, muốn khẩu chiến (hoặc bút chiến) với nhau. Tôi sẽ ca ngợi điện ảnh từ góc độ một người thưởng thức không chuyên, dựa trên những hiểu biết nghèo nàn của tôi về những bộ phim và những người làm ra chúng. Tiếp tục đọc “Như một thằng ngốc”